
Tổng thống Nga Vladimir Putin và ảnh một nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Gamaleya ở Nga – Ảnh: AP
Hãng tin Interfax dẫn thông tin từ Bộ Y tế Nga ngày 15-8 cho biết Nga đã sản xuất lô vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên của nước này.
Vắcxin này do Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học quốc gia Gamaleya cùng Viện Nghiên cứu 48 – Bộ Quốc phòng Nga hợp tác phát triển.
Theo hãng tin Reuters, thông tin trên được đưa ra vài giờ sau khi Bộ Y tế Nga cho biết họ đã bắt đầu sản xuất vắcxin ngừa COVID-19. Nga nói rằng vắcxin này – có tên Sputnik V – là vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên bước vào khâu sản xuất. Vắcxin sẽ được triển khai sử dụng vào cuối tháng này.
Bộ Y tế Nga nói rằng vắcxin Sputnik V đã trải qua tất cả kiểm tra cần thiết và chứng minh có thể xây dựng miễn dịch chống lại virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19. Vắcxin có hai thành phần được tiêm riêng, trong đó lần tiêm thứ hai phải được thực hiện 3 tuần sau lần tiêm đầu.
Hãng tin Sputnik dẫn lời các quan chức Nga cho biết nước này có thể sản xuất 500 triệu liều vắcxin trong 12 tháng tới.
Trước đó, ngày 14-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông hi vọng vắcxin của Nga sẽ có hiệu quả, trong bối cảnh các nhà khoa học và quan chức y tế phương Tây lo ngại về sự an toàn của vắcxin này.
“Chúng tôi không biết nhiều về vắcxin này. Chúng tôi hi vọng nó hiệu quả. Họ (Nga) đã bỏ qua các cuộc thử nghiệm nào đó và chúng tôi cảm thấy việc trải qua cả quá trình là quan trọng” – ông Trump phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã đảm bảo với công chúng rằng vắcxin này an toàn, đồng thời nói rằng một trong các con gái của ông đã được tiêm và thấy vẫn khỏe sau đó.
Theo hãng thông tấn TASS, các cuộc thử nghiệm lâm sàng của loại vắcxin này đã được thực hiện thành công trong tháng 6 và tháng 7.
Người đứng đầu Hội đồng quản trị Công ty R-Pharm, ông Alexey Repik, cho biết giá xuất khẩu vắcxin ngừa COVID-19 của Nga ít nhất là 10 USD cho 2 liều. Ông lưu ý lô vắcxin đầu tiên có thể sẽ khá đắt, nhưng vắcxin sẽ trở nên rẻ hơn khi số lượng sản xuất đạt quy mô công nghiệp đủ lớn.
=> Xem thêm: Sức khỏe và đời sống