
Khi vừa thoát “cửa tử”, bệnh nhân 582 mượn giấy bút để ghi lời cảm ơn đội ngũ y tế – Ảnh: THANH PHÚC
“Nói bệnh nhân này ở “cửa tử” trở về cũng không sai vì tình trạng tổn thương phổi nhiều thời điểm tưởng chừng như không cứu được…”, bác sĩ Trần Thanh Linh, phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, nói về trường hợp của bệnh nhân 582.
Hai lần chuyển viện
Nam bệnh nhân 55 tuổi (giáo viên ở phường Bình Hiên, quận Hải Châu) nhập viện tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để điều trị COVID-19 vào ngày 31-7 với các bệnh lý nền như tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cục bộ. Sau 2 ngày nhập viện, ông bị tổn thương phổi nặng, đây là tổn thương đặc trưng đối với những bệnh nhân COVID-19 lớn tuổi, có bệnh lý nền suy giảm miễn dịch.
Vào thời điểm ấy, phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chưa có các thiết bị đặc trị, trong khi bệnh nhân cần phải tiến hành ECMO, đồng thời lọc máu. Các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân này tới Bệnh viện Đà Nẵng để có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Đến ngày 6-8, sau khi các chuyên gia của Bộ Y tế thiết lập một phòng chăm sóc đặc biệt ở Bệnh viện Phổi, bệnh nhân lại được chuyển từ Bệnh viện Đà Nẵng về đây để điều trị.
Bà Ngô Thị Kim Yến, giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho hay giáo viên này mắc bệnh quá nặng trong tình huống mà Bệnh viện Đà Nẵng bị phong tỏa, gần như tất cả những kinh nghiệm về hồi sức đều nằm ở đây với nhiều nguy cơ lây nhiễm. Nhờ hỗ trợ tích cực của các chuyên gia Bộ Y tế, chỉ vỏn vẹn 8 ngày nhưng các đơn vị đã kết hợp cho ra một đơn vị hồi sức tích cực và cứu chữa thành công bệnh nhân này.
“Có gì trong tay đều mang ra chiến đấu hết”
Bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết với những bệnh nhân nặng thế này ngoài chăm sóc toàn diện còn đòi hỏi phải kết hợp vật lý trị liệu, hút đàm nhớt… để cứu bệnh nhân. “Chúng tôi nghĩ mình không bao giờ quên được giai đoạn này, bởi gần như có gì trong tay chúng tôi đều mang ra chiến đấu hết”, ông Linh nói.
Theo bác sĩ Linh, sau nhiều ngày sử dụng ECMO, diễn tiến bệnh tốt hơn, các thông số oxy máu cải thiện, huyết áp bệnh nhân ổn định hơn. Đến ngày 5-8 bệnh nhân được cai ECMO mặc dù vẫn tiếp tục được lọc máu, thay huyết tương nhưng các chỉ số đã có sự điều chỉnh theo hướng tích cực.
Đến nay bệnh nhân đã 5 lần được xét nghiệm âm tính, được công bố khỏi bệnh và được chuyển đến khu riêng biệt để theo dõi sức khỏe, tránh tình trạng bị lây nhiễm chéo với khu vực đang điều trị COVID-19. Sau khi thoát “cửa tử”, hiện tại bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị các bệnh lý nền, đặc biệt là tổn thương phổi.
Theo bác sĩ Linh, không riêng gì bệnh nhân này mà những bệnh nhân có bệnh lý nặng buộc phải theo dõi xuyên suốt đêm ngày.
“Không chỉ là bác sĩ, mà các điều dưỡng lúc nào cũng ở bên cạnh bệnh nhân trong việc chăm sóc toàn diện từ vệ sinh cho đến vật lý trị liệu. Anh em ở đây đang không ngại khó, khổ vì một mục tiêu chung cứu sống người bệnh, đưa người bệnh sớm khỏi bệnh càng sớm càng tốt”, bác sĩ Linh nói.
Tại buổi công bố bệnh nhân 582 được chữa khỏi COVID-19, bà Yến đã thay mặt ngành y tế Đà Nẵng cảm ơn các bác sĩ trực tiếp điều trị đã thực hiện một ca cứu người ngoạn mục.
“Đây là một sự nỗ lực hết sức của ngành y tế để giành lại sự sống cho những bệnh nhân nặng. Chúng ta đều biết đợt dịch thứ hai phần lớn các bệnh nhân đều có bệnh nền và tiên lượng tử vong, điều kiện chữa trị đòi hỏi nguồn lực chuyên môn cao và máy móc thiết bị tốt nhất”, bà Yến nói.
=> Xem thêm: Sức khỏe và đời sống